4 tháng đầu năm nay, vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt 1,6 tỷ USD, gấp hơn 4 lần cùng kỳ năm 2023.
Ảnh: internet
Thông tin này được Tổng cục Thống kê cho biết trong báo cáo mới đây. Đến hết ngày 20/4, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam (gồm vốn đăng ký cấp mới, đăng ký điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần) đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng vốn đăng ký cấp cho 966 dự án đạt 7,11 tỷ USD, tăng gần 29% về số dự án và hơn 83% về giá trị. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đứng đầu với số vốn đăng ký gần 5 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 70,2%).
Vốn đăng ký vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 1,6 tỷ USD (tỷ trọng 22,5%). Trong khi 4 tháng đầu năm 2023, vốn ngoại muốn chảy vào hoạt động này chỉ đạt khoảng 386 triệu USD. Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản năm nay đã tăng gấp hơn 4 lần.
Năm 2023, dữ liệu của RCA và Cushman & Wakefield cũng cho thấy giao dịch đầu tư và M&A bất động sản vẫn diễn ra nhưng số lượng ít và tổng giá trị nhỏ hơn năm 2022.
Tuy nhiên, Cushman & Wakefield dự báo giai đoạn 2024-2026, nguồn vốn lớn từ khối ngoại sẽ đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam. Theo đơn vị này, Việt Nam vẫn là một thị trường mới nổi thu hút đầu tư với tỷ suất sinh lời hấp dẫn.
Còn đại diện Savills cho rằng Việt Nam có nhiều lợi thế thu hút các khoản đầu tư từ các nước như Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản. Các lợi thế này gồm dân số đông đảo, cơ sở hạ tầng và đô thị hóa phát triển, khoản đầu tư từ nước ngoài (FDI) dồi dào và tầng lớp trung lưu phát triển nhanh chóng. Trong đó, ngành công nghiệp sẽ hưởng lợi từ nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thúc đẩy đầu tư đa dạng vào sản xuất và bất động sản công nghiệp.